Giá tôm nuôi của Việt Nam cao hơn các nước khác 1-2 USD/kg

Theo các chuyên gia, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam còn thấp. Chi phí đầu vào cao, dịch bệnh còn phổ biến khiến giá thành tôm nuôi cao hơn 1-2 USD/kg so với hai đối thủ cạnh tranh chính là Ecuador và Ấn Độ. Những tồn tại này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Định hướng phù hợp cho sản xuất tôm

Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam suốt 5 thập kỷ qua. Ngành tôm hàng năm đóng góp 45-50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp tôm hàng đầu với giá trị XK chiếm 13-14% giá trị XK tôm toàn cầu.

Trong những năm gần đây, ngành tôm Việt Nam đã có nhiều đổi mới và phát triển. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào nuôi tôm như một hướng đi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định, ngành tôm gặp nhiều khó khăn. Để tôm Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường, cần nâng cao chuỗi giá trị.

Đưa ra nhận định về thị trường tôm năm 2023, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Khó đưa ra dự báo về kết quả xuất khẩu tôm do ảnh hưởng của lạm phát. Nhu cầu thị trường đang giảm và cạnh tranh ngày càng tăng trên toàn thế giới".

Ông Hòe đề nghị doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí sản xuất, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. “Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến sản phẩm đặc thù, sản phẩm giá trị gia tăng và chủ động thay đổi cơ cấu thị trường, sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc”.

Về chi phí tôm nuôi, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đề nghị xem xét lại cách tiếp cận từ khâu con giống đến mô hình, quy trình, hay quy trình mật độ thả nuôi.

Theo đó, cần đẩy mạnh chương trình thuần hóa tôm bố mẹ để tạo nguồn giống kháng bệnh, thích nghi với điều kiện vùng nuôi, nâng cao tỷ lệ nuôi thành công và xây dựng quy trình nuôi tối ưu cho từng mô hình nuôi tôm.
Do đó, ngành tôm cần thay đổi cách tiếp cận, từ giống, mô hình, quy trình nuôi. Mục tiêu là tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm chi phí sản xuất, giúp ngành tôm Việt Nam giữ vững và phát huy vị thế trên thị trường thế giới.

chế biến tôm

Nâng cao chuỗi giá trị tôm

Ông Nguyễn Công Cẩn, Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Việt Úc cho biết, mục tiêu xuyên suốt mà doanh nghiệp khởi xướng là lan tỏa giải pháp chuỗi giá trị khép kín cho ngành tôm công nghệ cao bền vững. "Chữ 'bền vững' ở đây nên được hiểu là 'bền vững cho môi trường, ngành tôm và người tiêu dùng', đồng thời phải nâng cao giá trị thương hiệu tôm Việt Nam".

Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mylan Group (Trà Vinh), mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh không phát thải khí nhà kính của Mylan đã mang lại những thành công lớn. “Mặc dù đây là phương pháp nuôi còn rất mới đối với người nuôi tôm cả nước nhưng với kết quả đúc kết từ thực tế sản xuất tại các trang trại ở Trà Vinh, mô hình đã thuyết phục được cả những nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nuôi tôm của cả nước”.